Trung tâm Giám định xây dựng tỉnh Lào Cai

http://giamdinhlaocai.com


Kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước

Kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước được quy định tại Điều 18 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, Nghị định 114/2018/NĐ-CP quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước đối với đập có chiều cao từ 5 m trở lên hoặc hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 50.000 m2 trở lên và an toàn cho vùng hạ du đập.
Kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước

1. Kiểm định lần đầu thực hiện trong năm thứ ba kể từ ngày tích nước đến mực nước dâng bình thường hoặc trong năm thứ năm kể từ ngày tích nước.

2. Kiểm định định kỳ 5 năm kể từ lần kiểm định gần nhất đối với đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, lớn và vừa.

3. Kiểm định đột xuất

a) Khi phát hiện có hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho đập, hồ chứa nước;

b) Khi cần có cơ sở để quyết định kéo dài thời hạn sử dụng của công trình đối với đập, hồ chứa nước hết tuổi thọ thiết kế hoặc làm cơ sở cho việc sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước;

c) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Thẩm quyền quyết định kiểm định đột xuất

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định kiểm định đột xuất đập, hồ chứa thủy lợi quan trọng đặc biệt; đập, hồ chứa thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ có liên quan đến 02 tỉnh trở lên;

b) Bộ Công Thương quyết định kiểm định đột xuất đập, hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt và đập, hồ chứa thủy điện được xây dựng trên địa bàn 02 tỉnh trở lên;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định kiểm định đột xuất đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, trừ đập, hồ chứa nước quy định tại điểm a, điểm b khoản này.

5. Nội dung chính kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước

a) Đối với đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt và lớn: Kiểm tra, phân tích tài liệu quan trắc đập, hồ chứa nước; khảo sát, thăm dò ẩn họa, khuyết tật công trình; kiểm tra tình trạng sạt lở, bồi lắng lòng hồ chứa nước; kiểm tra khả năng xả lũ của hồ chứa nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, tài liệu khí tượng thuỷ văn và thay đổi về lưu vực đã được cập nhật; đánh giá chất lượng và an toàn của đập, hồ chứa nước;

b) Đối với đập, hồ chứa nước vừa, nhỏ: Khảo sát, thăm dò ẩn họa, khuyết tật công trình; kiểm tra tình trạng sạt lở, bồi lắng lòng hồ chứa nước; kiểm tra khả năng xả lũ của hồ chứa nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, tài liệu khí tượng thuỷ văn và các thay đổi về lưu vực đã được cập nhật; đánh giá chất lượng và an toàn của đập, hồ chứa nước.

6. Trách nhiệm kiểm định an toàn đập, hồ chứa thủy lợi

a) Tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi có trách nhiệm thực hiện kiểm định theo đề cương được phê duyệt;

b) Chủ quản lý đập, hồ chứa thủy lợi thẩm định đề cương, dự toán, kết quả kiểm định, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình chủ sở hữu đập, hồ chứa nước phê duyệt; gửi kết quả kiểm định đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7. Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm tổ chức kiểm định, phê duyệt đề cương và kết quả kiểm định theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả kiểm định về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xây dựng đập, hồ chứa thủy điện và Bộ Công Thương.

Tác giả bài viết: Quang Trường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây